Lịch sử Quảng Nham

Từ trước năm 1964 làng Cự Nham có tên nôm là làng Mỏm Cự Nham[4].

Làng xã hình thành do mỏm cát bồi bởi sự hợp dòng giữa biển và sông, mỏm đất có độ tuổi khoảng nghìn năm. Trên mỏm đất ấy là một rừng cây cổ thụ rộng khoảng 3-4 ha, co đủ các giống cây khác nhau, các loài gỗ quý hiếm như: lim, gội, đa, thị, sếu, chòi mòi, bồ hòn, bứa, muỗm…[4].

Ngoài người gốc là cư dân bản địa, còn có nhiều dòng họ từ vùng Xa Thư, Trần Cầu – Tự Lâm chuyển đến từ thế kỷ V-VI, có nhiều người nguồn gốc từ Quảng Bình chuyển ra, làm nghề đánh bắt cá biển ở vùng Cự Nham hay Cự Lẫm. Vào những năm đầu thời Lý (1010) một nhóm người từ Xa Thư, Trần Cầu di dời đến quanh chân núi Ghép (khu vực Tú Lâm, nay thuộc xã Quảng Thạch) để đánh bắt cá, dưới chân núi là con lạch Ghép, phía tây nam là rừng cây cổ thụ xanh tươi tốt[4].

Trong cuộc Nam chinh vào khoảng năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã ghé vào lạch Ghép, lên bờ và nghỉ ngơi ở rừng cây cổ thụ, thấy cảnh sơn thủy hữu tình hùng vĩ. Nhà vua mới gọi dân bản địa đến và hỏi:

- Làng chạ ở đấy tên gọi là gì? Và khu rừng đẹp kia đã có tên chưa?

Dân làng trả lời là làng chưa có tên và rừng cũng chưa có tên.

Thấy cư dân ở đấy người nào cũng cường tráng mặn mòi, giọng nói oang oang, dáng người chất phác thuận hòa, sống nơi đầu sóng ngọn gió, làm nghề đánh bắt cá trên biển bao la, nhà vua nghĩ đến chữ Cự vì tục ngữ có câu Có cứng mới đứng đầu sóng.

Quan sát dãy núi sừng sững trên đầu, nhà vua nghĩ là chữ Sơn. Nhìn xuống chân toàn là các loại đá to nhỏ, nhà vua hiểu đó là chữ Thạch, hai chữ đó ghép lại thành chữ Nham. Tên làng Cự Nham có từ ngày ấy.

Nhìn rừng cây cổ thụ rất đẹp, nhà vua nghĩ ngay đến từ chữ Hán là Tú Lâm, thế là làng Cự Nham, rừng Tú Lâm có tên từ ngày ấy[4].

Dưới tán rừng là một quần thể kiến trúc đình đền, chùa, miếu, lăng và đầy đủ cả một hệ thống văn hóa tâm linh cũng có độ tuổi hàng nghìn năm. Đặc biệt thời kỳ tiền khởi nghĩa và ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (2/9/1945), lá cờ đỏ sao vàng được treo trên cây đa gác chằng[4].

Ngày Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Xương (tháng 2/1946) lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ Đảng Lao động Việt Nam đã tung bay trên cây đa gác chằng trước sân đền Phúc làng Cự Nham. Tuy nhiên, năm 1946 do nắn dòng sông Yên để trị thủy, người ta đã đào qua đền, qua rừng cây, trong đó có cây đa gác chằng[4].